/* */

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Papilloma - HPV là gì?

I> Papilloma là gì?
Papilloma là tình trạng tổn thương thanh quản có dạng nhiều mụn cóc nhỏ, bệnh này gây ra bởi virus. Đây là một dạng virus khác của cùng chủng HPV (Human Papilloma Virus) gây ra các tổn thương tương tự ở một số bộ phận khác trên cơ thể (như cổ tử cung, âm đạo…). Virus Papilloma có thể đã lan truyền từ người này qua người khác do những tiếp xúc “khá thân mật”. Tuy nhiên không phải tất cả những người tiếp xúc với virus đều phát triển thành bệnh papillomas,mà chỉ có thể chỉ là người lành mang bệnh (không có bệnh và không có triệu chứng bệnh). Do đó nên hiểu rằng sự truyền virus không có nghĩa là sẽ mắc bệnh. Sự phát triển của tổn thương papilloma là sự tác động qua lại giữa virus và tính mẫn cảm của hệ thống miễn dịch của người có nhiễm HPV. Giọng nói (nói to, nói nhiều) không ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh papilloma.
Bệnh này cũng thường phát hiện ở trẻ em, do trẻ em bị ảnh hưởng khi bé sanh ra qua đường âm đạo của mẹ có nhiễm HPV. Còn ở người trưởng thành bệnh này ít ảnh hưởng hơn ở trẻ em vì ở người lớn papilloma phát triển chậm hơn và hiếm khi phát triển ngoài thanh quản.
Giống như mụn cóc, papilloma thường hay tái phát dù trước đó tổn thương được lấy đi gần như hoàn tòan.

II> Triệu chứng (dấu hiệu) của papilloma?
Papilloma thanh quản gây khàn tiếng (khàn giọng) tùy thuộc vào mức độ ghồ ghề và kích thước tổn thương. Nếu bỏ qua bệnh tật không kiểm tra ngăn chặn, tổn thương papilloma có thể gây tắc cả đường thở.

III> Papilloma trông như thế nào?
Papilloma có dạng khối với nhiều mụn nước li ti (bề mặt trông giống như trái dâu rừng). Bề mặt tổn thương không đồng đều, tạo thành các nhú, gai.

Hình 1: tổn thương papilloma điển hình dạng mụn cóc nhỏ li ti trên dây thanh trái
Papilloma là tổn thương trên bề mặt, chúng phát triển bên ngoài lớp niêm mạc dây thanh. Các nhà khoa học chưa bíết vì sao virus HPV dường như “đặc biệt thích” phát triển trên niêm mạc dây thanh như vậy mặc dù tổn thương chỉ bao phủ trên bề mặt. Ở người lớn, papilloma có thể phát triển hạn chế ở một điểm (hay khu vực nhỏ) trên dây thanh và trông giống hình dạng của polyp hoặc có thể lan rộng, phủ tòan bộ một hoặc cả hai dây thanh.

Hình 2: một khối papilloma ở người trưởng thành có hình dạng như khối polyp. Trường hợp này đã không tái phát lại sau khi cắt bỏ khối papilloma.

Ở một số người có bệnh lý miễn dịch đi kèm, papilloma có thể lan rộng ra khỏi thanh quản đến miệng, họng và phổi. Một vài báo cáo trên thế giới cho rằng papilloma phát triển thành ung thư nhưng tình huống này rất hiếm khi xảy ra.

Hình 3: Papilloma lan rộng trên dây thanh và băng thanh thất phải qua cả dây thanh trái (những nụ gai nhỏ). Bệnh nhân này đã trải qua 2 lần phẩu thuật.

IV> Điều trị papilloma như thế nào?
Không có phương pháp điều trị nào là đáng tin cậy cho papilloma.
Cắt bỏ papilloma là phương pháp điều trị chính giúp kiểm soát sự lan rộng của papilloma. Nên nhớ rằng sự tái phát trở lại của papilloma là quy luật thông thường cho dù trước đó việc cắt papilloma được gọi là triệt để.
Trong đa số trường hợp papilloma ở người lớn, đặc biệt papilloma giới hạn một vị trí điểm trên dây thanh, papilloma có thể biến mất sau một hoặc vài lần cắt bỏ. Điều này tùy thuộc vào “cuộc chiến” giữa hệ miễn dịch của người bệnh và virus. Trong trường hợp này hệ miễn dịch của người bệnh đã “thắng”.
Nên nhớ rằng, phẩu thuật không phải là phương pháp điều trị bệnh papilloma, vì vậy điều quan trọng hơn cần quan tâm là chức năng thanh quản như phục hồi chất lượng của giọng nói. Papilloma là bệnh lý trên bề mặt dây thanh vì vậy những phương pháp phẩu thuật cắt sâu vào mô bằng laser là không cần thiết và có thể gây tổn hại niêm mạc dây thanh lành.
Phương pháp tốt nhất là phẩu thuật cắt bằng nội soi ống mềm.
Nếu bệnh tái phát, việc chỉ định cắt lại tổn thương hay không tùy thuộc vào kích thước và mức độ “phá hỏng” giọng nói.
Khi bệnh có dấu hiệu lan rộng thanh quản thì đây là lý do để quyết định phẩu thuật cắt bỏ lại. Khi phẩu thuật lớn thì khả năng ảnh hưởng đến giọng nói là có thể xảy ra.
Trong những trường hợp người bệnh cần cắt papilloma thường xuyên (mỗi tháng), nên quan tâm đến phương pháp điều trị thăm dò.
Cidofovir : thuốc dung đường chích chống lại virus. Trong papilloma, thuốc này được bơm trực tiếp vào tổn thương, giúp ngăn chặn và giới hạn sư tấn công của virus. Tuy nhiên liều và số lần chích lọai thuốc này vẫn còn đang nghiên cứu. Các nhà khoa học đang tìm cách thay đổi hệ miễn dịch của con người cho tốt hơn để chống lại bệnh này.

Trở về trang chính